Kinh Thánh Của Bói Toán P2

3:14, 29/12/2018

Kinh thánh của bói toán P1 đã trình bầy sơ bộ những tư tưởng nguyên thuỷ về vũ trụ và con người trong đó. Coiboihay.com tiếp tục phần 2 của bài viết về Kinh Dịch của tác giả Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ và Phu Nhân tại trang: nhantu.net.

Như vậy, học Dịch là để biết các lớp lang biến hóa, chuyển dịch của vũ trụ và của lòng mình; nhân đó sẽ suy ra được chiều hướng tiến, thoái, và sẽ trở về được với Bản Thể duy nhất, tiềm ẩn nơi đáy lòng mình.

Khi viết bộ Dịch này, tôi đã khám phá ra được nhiều điều mới mẻ:

1). Dịch trình bầy học thuyết Thiên địa vạn vật đồng nhất thể, với các hệ luận của nó, như Nhất thể tán vạn thù, vạn thù qui nhất thể hay Đồng qui nhi thù đồ. Hiện nay nhân loại còn tưởng rằng muôn loài có muôn bản thể khác nhau. Tuy nhiên, Khoa Học đã giúp ta thay đổi tầm nhìn, lối nghĩ dần dần.

2). Và tôi nhìn thấy Thái Cực trong mọi người chúng ta. Đó là Lương tâm, là Thiên Nhãn trong ta. Lương tâm trong ta, thời muôn đời bất biến. Còn Nhân tâm trong ta thời luôn luôn biến thiên. Chúng ta dần dần phải trút bỏ cái gì Biến Thiên để đi vào Bất Biến, tức là bỏ Tiểu Ngã để trở về Đại Ngã.

3). Dịch có Tiên Thiên & Hậu Thiên. Tiên Thiên là cái gì Hoàn Thiện, Lý tưởng. Hậu Thiên là cái gì bất toàn, là thực tại, là những gì ta trông thấy, nhìn thấy trong cuộc đời chúng ta. Phục Hi vẽ ra 8 quẻ và 64 quẻ Tiên Thiên. Văn vương vẽ và viết ra 8, và 64 quẻ Hậu Thiên. Hà đồ là Tiên Thiên, Lạc thư là Hậu Thiên. Dịch có mục đích khuyên ta đi từ Hậu Thiên trở về Tiên Thiên.

4). Phục Hi vẽ 8 và 64 quẻ Tiên Thiên, cho thấy rằng Dịch chỉ có Âm và Dương. Mà Âm phải đi trước, Dương phải đi sau, mới trọn đạo Trời. Đi được hết con đường ấy, là hoàn thành được Thiên Tính của mình.

5). Nghiên cứu sâu xa hơn, tôi thấy 64 quẻ Tiên Thiên chia làm 2 nửa rõ rệt: Nửa phải là 32 quẻ Âm, từ quẻ 1 Âm đến quẻ 6 Âm: 1 Âm là Cấu, 2 Âm là Độn, 3 Âm là Bĩ, 4 Âm là Quan, 5 Âm là Bác, 6 Âm là Khôn.

Còn nửa trái, cũng có 32 quẻ Dương, từ quẻ 1 Dương, đến quẻ 6 Dương : quẻ 1 Dương là Phục, 2 Dương là Lâm, 3 Dương là Thái, 4 Dương là Đại Tráng, 5 Dương là Quải, 6 Dương là Kiền.

Nửa Âm là nửa đời đầu con người (50 năm đầu của cuộc đời ), khi ấy con người phải dấn thân vào cuộc đời, phải đua tranh với đời, phải xây dựng giang sơn, tổ quốc.

Nửa Dương là nửa đời sau con người (50 năm sau của con người), khi tóc đã hoa dâm, khi ấy con người phải biết quẳng gánh lo, quay về lo tu tỉnh nội tâm, mong sao có thể trở thành Thánh Hiền, Tiên, Phật.

Thiệu Khang Tiết cho rằng: Con người phải đi nửa chiều Âm trước, cốt là đi vào vật chất, khám phá và tìm hiểu vật chất, và phải đi nửa chiều Dương sau, để tìm hiểu căn cốt về tâm hồn mình. Có như vậy, cuộc đời mới thực đẹp đẽ.

Có điều lạ là 32 quẻ Âm đều nằm về hướng Tây, còn 32 quẻ Dương laị nằm về hướng Đông, y như Dịch muốn nói rằng Văn minh vật chất phải nhường cho Âu Mỹ lãnh đạo, còn Văn minh tinh thần phải nhường cho Á Châu chỉ huy.

6).Vòng Dịch Tiên Thiên (8 và 64 quẻ) xếp theo nhẽ Âm trưởng, Dương tiêu ở nửa bên phải (hình con cá đen) và Dương trưởng, Âm tiêu ở nửa bên trái (hình con cá trắng).

Còn Dịch Hậu Thiên của Văn vương thì xếp theo cách lộn lạo, đảo điên. Ý nói, trên đời vấn đề gì cũng có xuôi, có ngược, cần nghiên cứu mọi mặt cho thấu đáo, như vậy mới tránh được lỗi lầm, tránh được rủi, gặp được may.

7). Tôi đã sửa một lỗi của Dịch. Dịch xếp Tứ Tượng như sau: Thiếu Dương, Thái Âm, Thiếu Âm, Thái Dương. Tôi thấy không ổn. Vì con trai nhỏ (Thiếu Dương), lớn lên không thành được con gái lớn (Thái Âm), và con gái nhỏ (Thiếu Âm ) không thể thành con trai lớn (Thái Dương). Nên cái mà Dịch gọi là Thiếu Dương, tôi gọi là Thiếu Âm, cái mà Dịch gọi là Thiếu Âm tôi gọi là Thiếu Dương, và ta sẽ có: Thiếu Âm, Thái Âm, Thiếu Dương, Thái Dương; đúng với lẽ Âm trưởng, Dương tiêu và Dương trưởng, Âm tiêu của Trời đất.

8). Tôi đã tìm ra được Dịch biến thiên và xoay quanh 1 Tâm điểm. Tâm điểm ấy chính là Thái Cực, và được tượng trưng bằng con số như 5, 10, 15. Ở nơi con người thì Tâm điểm ấy là Thiên Tâm, Chân Tâm, Cốc Thần, Thái Cực, Lương tâm con người, ở ngay giữa đầu não con người, nơi mà ta gọi là Nê Hoàn Cung, Huyền Quan Nhất Khiếu hay Huyền Tẫn Chi Môn.

Tâm điểm thời bất biến, Vạn Tượng bên ngoài thời biến thiên. Con người phải tiến từ Vạn Tượng về với Thái Cực. Khi vào tới Thái Cực thì Nho Gia gọi là đạt đạo Trung Dung, Phật gia gọi là đạt tới Kim Cương, Viên Giác, Lão gia gọi là đã luyện xong Kim Đơn. Á Châu còn gọi chung là Qui Nguyên, Phản Bản.

9). Tôi càng ngày càng thấy Dịch dạy ta phải luôn luôn tiến hóa. Tiến hóa chính là biến Dịch. Vì thế Trình Tử mới nói: Tùy thời biến Dịch, dĩ tòng Đạo.

Mà tiến hóa là gì? Là đi từ thô thiển tới tinh vi, từ Phàm phu tới Sĩ phu, Quân tử, Hiền Thánh. Chúng ta nên phân biệt Tiến Hóa (évolution) với Thích ứng ngoại cảnh (adaptation). Trong Kinh Dịch, ta thường thấy nhắc đến Quân tử và Tiểu nhân. Quân tử có thể là những người biết tiến hóa, Tiểu nhân là những người chỉ biết thích ứng với hoàn cảnh.

Đạo Lão cho rằng Quân tử là những người tuân theo được những khuôn mẫu truyền thống; Hiền nhân là những người thoát ra được vòng cương tỏa của cuộc đời; còn Tiểu nhân là những người sống theo thất tình, lục dục, chỉ biết lo sống và hưởng thụ. Họ tiến lên nấc thang xã hội bằng sức mạnh, bằng mưu mô, bằng bất công và bạo lực, chỉ biết nghĩ đến mình mà quên người.

10). Xưa nay, các nhà bình giải Kinh Dịch, chưa ai phân biệt quẻ Kép khác quẻ Đơn cái gì? Tôi nhận định như sau: Quẻ Đơn tượng trưng cho Vạn Hữu, quẻ Kép tượng trưng cho Mọi hoàn cảnh mà vạn hữu và nhân quần gây nên trong khi giao tiếp với nhau. Thượng Kinh & Hạ Kinh viết lại 64 quẻ, tức là đưa ra 64 hoàn cảnh tượng trưng, để dạy cho con người phương pháp sử xự cho khéo léo, tùy theo mỗi hoàn cảnh mình gặp.

11). Ngoài ra, tôi còn dùng Tâm Điểm và 6 vòng tròn đồng tâm để giải Dịch: Tâm điểm là Thái Cực, 6 vòng tròn đồng tâm bên ngoài là 64 quẻ Dịch,mỗi Hào nằm trên một vòng tròn. Nay nếu ta đem xoay chuyển, vận động các vòng tròn đồng tâm nói trên, thì Tâm điểm sẽ đứng yên một chỗ, còn các vòng tròn bên ngoài sẽ xoay chuyển và chịu định luật thăng giáng, biến thiên.

Ngoài ra chúng còn chịu định luật ly tâm và hướng tâm. Nếu vậy, muôn vật trong vũ trụ, tức là những gì đã có hình tướng, đều sẽ phải chịu những định luật biến thiên, thăng trầm, ly tâm (Force centrifuge), hướng tâm vậy(Force centripète). Ly tâm là Tán, là hướng ngoại (Extroversion); Hướng tâm là Tụ, là hướng nội (Introversion).

12). Sau cùng, tôi suy thêm nếu Dịch là Biến, nếu Dịch là một khoa Triết Học, chuyên khảo về Bản Thể bất biến và các Hiện Tượng biến thiên, thì Dịch phải được coi là một Khoa học phổ quát, và muốn khảo Dịch cho có kết quả, không nên gò bó mình vào những lời bình giải của Nho Gia, mà còn phải:

* Khảo các Đạo giáo

* Các Triết gia Âu, Á.

* Các phát minh khoa học.

* Các Học thuyết Triết Học, Khoa Học cổ kim nữa.

Từ thế kỷ 17, Leibniz nhà toán học Đức (1616 – 1716) cũng đã dày công nghiên cứu Dịch, vẽ lại 64 quẻ Dữch theo công thức của khoa Nhị nguyên toán pháp (Arithmetique binaire ou arithmetique dyadique)

Sang tới thế kỷ 19, tinh thần Kinh Dịch đã thâm nhập sâu xa vào Triết Học, Khoa Học Âu Châu, với thuyết tiến hóa của Lamarck, Darwin, với biện chứng pháp (tức Dịch Lý) của Hégel, và Marx, với thuyết tương đối của Einstein cũng như những quan điểm mới mẻ nhất về tương quan giữa năng lực và vật chất của những nhà Bác Học Âu Mỹ, với quan niệm của Werner Heisenberg: dưới mọi hình thái biến thiên của vũ trụ chỉ có một bản thể duy nhất.

* Năm 1950, hai nhà bác học Francis Crick và James Watson đã tìm ra được cơ cấu DNA cho muôn loài muôn vật.

* Năm 1963, người ta tìm ra được mật mã di truyền học (Genetic code). Năm 1961, khi làm quyển Trung Dung, nơi trang 267, tôi đã chứng minh rằng 64 mã số (codons) trong khoa di truyền hoàn toàn giống thứ tự 64 quẻ Dịch Phục Hi. Nhưng tôi chưa hề công bố, nên cũng như không. Năm 1974, ông Harley Bialy tuyên bố cơ cấu DNA hoàn toàn giống 64 quẻ Dịch. Ngày nay, nhiều nhà Bác Học cũng đồng ý như vậy.

* Ông Gunther Stent trong quyển The Coming of the Golden Age (1969), ông Martin Schonberger trong quyển The I Ching and the Genetic Code (1979), Ông Johnson F. Yan (Nghiêm Tôn Hiến) trong quyển DNA and the I Ching (1991) v.v… đang triệt để khai thác các vấn đề trên.

* Chúng ta cũng ta cũng nên biết rằng, năm 1957 hai nhà Bác Học trẻ tuổi người Trung Hoa, Yáng Zhèn Ning (Dương Chấn Ninh),và Li Zhèn Dào (Lý Chính Đạo), đã tuyên bố nhờ đọc Kinh Dịch mà đã phát minh và chứng nghiệm rằng trong thế giới điện tử, phía phải và phía trái không có cùng đặc tính như nhau. Công trình này đã được giải thưởng Nobel (1957) về vật lý và đã làm chấn động giới khoa học chẳng kém gì thuyết tương đối của Einstein.

Mong rằng các nhà bác học tương lai sẽ còn có nhiều người đi vào con đường này.

Trích: Kinh dịch Yếu Chỉ.

Kinh Thánh Của Bói Toán p1

 Kinh Thánh Của Bói Toán p2

Bình Luận

Loading Facebook Comments ...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *